Khi bạn 25 tuổi, bạn sẵn sàng nghỉ việc khi gặp bất công trong công việc. Khi bước sang độ tuổi trở đi 35, cái tuổi mà những bất lực, nhưng khó khăn, cay đắng khiến nước mắt muốn trào ra nhưng bạn cũng phải cố mà ngậm đắng nuốt vào trong. Với bạn trách nhiệm bây giờ không chỉ dừng lại ở việc mình muốn gì mình thích gì nữa mà với bạn lúc này là “tiền” để lo cho gia đình.
Trên vai bạn lúc này không còn là những nhu cầu, sở thích của bản thân mà là gia đình và con cái. Khi bạn 35 cũng là lúc cha mẹ bạn đã già và bạn phải có trách nhiệm để lo lắng cho tuổi già của cha mẹ.
Khi bạn 35 con cái của bạn đang ở độ tuổi học hành, bạn cần tiền để cho con mình bằng bạn bằng bè, để con được ăn ngon mặc đẹp và để con được học trong môi trường giáo dục tốt nhất.
Khi bạn 35 tuổi vợ bạn có thể đang thất nghiệp hoặc có việc làm và trách nhiệm của bạn là phải lo cho cô ấy.
Ở nước ngoài và Việt Nam gần đây một hình ảnh quen thuộc mà nếu để ý kỹ bạn bắt gặp rất nhiều trong cuộc sống thường nhật đó là hình ảnh những người đàn ông ngồi trầm lắng một lúc lâu trong xe ô tô trước cửa nhà. Có rất nhiều cách giải thích cho điều này, nhưng cách được giải thích nhiều nhất và thuyết phục nhất có lẽ là họ thật sự cảm thấy rất thoải mái khi ngồi trong xe ô tô. Ngồi như vậy họ được sống thật là chính mình, được nghe bài nhạc mình thích, cảm nhận được cảm giác khoan khoái phả ra từ điều hòa, nơi mà họ có thể gạt bỏ mọi ưu tư phiền muộn trong công việc cũng như trong cuộc sống. Bởi lẽ, chỉ sau cách của kia thôi, thứ mà tiếp tục đè nặng trên vai họ đó là trách nhiệm của một người con, một người chồng và một người cha. Những lời ca thán từ vợ, những câu hỏi đặt ra từ cha mẹ và cả những tiếng khóc nheo nhóc của các con.

Bạn đã bao giờ nhìn thấy một người đàn ông tuổi 35 bật khóc chưa! Hiếm! Hiếm lắm! Đã qua rồi cái thời kỳ hồn nhiên, trẻ con dễ dàng bị cảm xúc chi phối, dễ dàng rơi lệ và khóc khi gặp khó khăn. Bởi vì lúc này với gánh nặng trên vai họ tự biết rằng nếu mình gục ngã thì gia đình và sự nghiệp sẽ như thế nào? Họ biết rằng mình là chỗ dựa của người khác nên không được và không cho phép mình được gục ngã trước mọi uất ức của cuộc đời.
35 tuổi, cũng chính là cái tuổi mà bạn phải đơn phương độc mã để chiến đấu với những vấp ngã của cuộc đời. Nếu như khoảng thời gian từ 25 – 30 tuổi đã dạy cho ta ta cách sống thỏa hiệp và ta dần quen với điều đó thì đến 35 tuổi, thỏa hiệp là điều mà ta sử dụng nó một cách thường xuyên. Con đường lúc này mà bạn đi là đường một chiều không có hướng quay đầu thế nên mọi bước ngoặt thường không còn xuất hiện ở tuổi này nữa. Mà nếu có thì đa số là rẽ sang hướng tệ hơn.
Khi một người đã bước sang tuổi 35, những trách nhiệm đè nặng trên vai khiến họ dần đánh mất đi tính phiêu lưu của mình. Họ bình tĩnh đối mặt và tự tin bước qua khó khăn nhưng không còn nhiều nhiệt huyết và can đảm để thử thách mình làm những điều mới mẻ như trước.
Cũng chính ở cái tuổi 35 này, bạn chợt nhận ra rằng những thứ mà trước đây mình từng tự hào trong quá khứ bây giờ đã không còn nữa, những ước mơ hoài bão cũng không còn rừng rực cháy nữa. Mà thay vào đó họ cần những điều thực tế và ổn định hơn. Ở độ tuổi này, rất hiếm khi người ta dám vì hai từ “cơ hội” mà đánh cược tất cả những gì mà mình đang có bây giờ. Vì khi một người đã ở tuổi 35, họ sẽ đề cao chữ "ổn định" hơn bao giờ hết.
Mang trên vai gánh nặng về trách nhiệm, gánh nặng đối với gia đình, đến tuổi này người ta bắt đầu nhận ra trên đời này không có gì quý hơn sức khỏe vì chỉ khi có sức khỏe họ mới đủ sức chiến đấu và thực hiện những trách nhiệm đang dang dở.
Ở tuổi 35 người ta đã cảm nhận được cái sự “già” trong cơ thể mình, một người đã trải qua 1/3 cuộc đời họ sẽ là những người cảm nhận rõ nhất với sự thay đổi sức khỏe của bản thân, cảm thấy mình không còn dồi dào năng lực như thời trai tráng.
Và rồi con người ta khi đã đi hết 1/3 cuộc đời họ cũng dần hiểu ra rằng thực ra trên đời này không ai có thể giúp mình tốt hơn chính bản thân mình cả. Khi còn trẻ, đứng trước những vấp ngã người ta thường chờ đợi sự giúp đỡ từ bạn bè, từ gia đình nhưng khi bước sang tuổi 35 họ nhận ra rằng tiền bạc khi vay rồi cũng tới lúc phải trả và cha mẹ người duy nhất sẵn sàng cho không bạn thì nay họ đã già yếu. Bạn hiểu rằng chỉ có đứng lên bằng chính đôi chân của mình mới là thực lực, mới có thể bền bỉ để chiến đấu tiếp.

36 tuổi với nhiều người là thời kỳ đỉnh cao của sự nghiệp là lúc bạn hưởng những trái ngọt mà tuổi trẻ mình đã nuôi dưỡng. Nhưng 36 tuổi cũng có khi là cái “hố” sâu thẳm vùi lấp đi ý chí, công danh, sự nghiệp và cả trách nhiệm của người nào đó.
Khi bạn bước sang tuổi 36, bạn đã qua rồi cái thời mà mình đã làm nhà tuyển dụng tiếc hùi hụi vì đã không chọn bạn. Hồi trẻ, ta luôn mang trong mình tâm thế sẵn sàng đối đầu chỉ cần mình thích, sẵn sàng nhảy việc và đứng lên đòi lại công bằng chỉ cần mình muốn, và sẵn sàng thể hiện giá trị, bản lĩnh anh hùng của bản thân trước mọi hoàn cảnh và đối tượng.
Nhưng khi bước vào độ tuổi tiền trung niên lại khác, bạn phát hiện ra rằng bản thân mình ngày càng trở nên độ lượng, nhẫn nhịn và khoan dung. Bạn cũng biết được rằng giá trị của bạn thể hiện ở nhà cửa, xe cộ bạn đang đi, những vật dụng, tiện nghi mà bạn nỗ lực từng ngày từng ngày với rất nhiều gian khổ mới có. Giá trị của bạn thể hiện ở một gia đình hạnh phúc đầm ấm với cha mẹ già, hòa thuận với vợ, chăm sóc, nuôi dạy và định hướng tương lai tươi sáng hơn cho những đứa con chứ không phải “bản lĩnh anh hùng” được mô tả ngày nào.
Trong giai đoạn áp lực nhất của cuộc đời này bạn biết cách đối mặt với những gánh nặng đè nén trên vai, với những ước mơ vẫn còn dang dở, với những khó khăn trong sự nghiệp và cuộc sống. Và cũng hơn ai hết bạn biết rõ rằng : Không ai có thể giúp bạn tất cả, chỉ có chính bạn mới tự giúp được bản thân mình.
Viết cho tuổi 36 sắp sang....